
Biết ở đâu có hoàn cảnh bất hạnh, thương tâm là chị lại tìm đến. Có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều, hoặc chị đứng ra vận động, kêu gọi giúp đỡ. Với tấm lòng đầy nhiệt huyết, ba năm qua, chị đã rong ruổi khắp nẻo đường của đất nước để sẻ chia yêu thương và mang đến niềm tin sưởi ấm những trái tim bất hạnh. Đó là chị Nguyễn Thị Lan Phương, sinh năm 1987, ở thị xã Ba Đồn.
Cầu nối qua facebook
Phương năng động, trẻ trung và tràn đầy nhiệt huyết. Trên khuôn mặt của chị lúc nào cũng nở nụ cười. Nụ cười của sự thân thiện và sẻ chia. Bao năm qua, Phương đã từng chứng kiến nỗi khổ đau của nhiều em bé nhiễm chất độc da cam, bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh hiểm nghèo, cũng như cuộc sống khốn khó của bà con nông dân và cả sự mất mát của biết bao con người trong mỗi đợt thiên tai...
Ngay từ khi còn là sinh viên, Phương đã tham gia các hoạt động tình nguyện do trường tổ chức và đến khi ra trường thì niềm đam mê làm thiện nguyện lại thôi thúc Phương tìm về những miền quê nghèo, những gia đình có hoàn cảnh đáng thương để kêu gọi mọi người chia sẻ, giúp đỡ. Dấu chân Phương đã in hằn trên mọi nẻo đường. Khi được hỏi vì sao Phương lại thích làm tình nguyện và gắn bó với các hoạt động từ thiện đến vậy, Phương chỉ cười hiền: “Ngay cả tôi cũng không biết vì sao mình thích làm tình nguyện, tôi chỉ suy nghĩ là phải cố gắng làm được cái gì đó cho mọi người, vì cuộc sống còn quá nhiều số phận bất hạnh, đáng thương. Đôi lúc tôi chỉ là vô tình gặp họ, nghe qua những người bạn, người thân rồi tìm đến những địa chỉ đó để xác minh và kêu gọi mọi người giúp đỡ. Mọi chuyện xảy ra cứ như là một cơ duyên vậy”.
Phương nhặt nhạnh tất cả những mảnh đời bất hạnh mà mình biết được qua nhiều kênh. Có thể chỉ là nghe nói, có thể là đi gặp. Nhưng với trường hợp nào Phương cũng đến tận nơi để tìm hiểu. Phương ghi lại hoàn cảnh cụ thể của gia đình đó. Sau đó, những thông tin này được Phương chuyển đến những nhà hảo tâm. Thật bất ngờ khi chúng tôi biết được rằng phương tiện làm việc của Phương chủ yếu thông qua mạng xã hội facebook.
Từ những dòng chia sẻ của Phương, rất nhiều những tấm lòng từ cả nước cũng như khắp thế giới biết được và liên hệ để được trợ giúp. Ngày nào mở mạng xã hội ra Phương đều khấp khởi hy vọng có ai đó liên lạc để giúp đỡ. Những người giúp đỡ ở xa, có khi tận nước ngoài. Phương phải thay họ đến tận nơi trao gửi tấm lòng của họ cho người được giúp đỡ Phương luôn chụp lại hình mình trao quà để gửi qua cho người trao để họ yên tâm rằng tấm lòng của mình đã đến đúng địa chỉ.
Chỉ với cách làm đơn giản ấy mà trong gần ba năm qua Phương đã giúp được hàng trăm người bất hạnh tìm thấy sự sẻ chia. Đợt lốc xoáy ở Quảng Sơn cuối năm 2013, Phương là một trong những người đầu tiên mang hàng cứu trợ đến Quảng Sơn cứu đói cho bà con. “Sáng đó ngủ dậy, nghe mọi người kể về cơn lốc tối qua tại Quảng Sơn, mình chỉ nghĩ là sẽ có người cần giúp đỡ nên chạy lên. Thấy cảnh hoang tàn đổ nát, nước lũ dâng lên nhanh, người dân không có đồ ăn, Phương tức tốc chạy ngược về lại nhà ở Ba Đồn, mượn tạm một ít tiền mua vội mấy thùng mì tôm chở vào Quảng Sơn ngay”, Phương kể.
Không chỉ với những người bất hạnh ở trong tỉnh mà bước chân Phương đã đến với những người bất hạnh ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nghe một trường hợp bất hạnh nào, có khi ở tận Hà Giang, Cao Bằng, hay Khánh Hòa, Quảng Nam, Phương lại tức tốc mua vé tàu tìm đến. Và như quy trình cũ, mọi thông tin đều được Phương đưa lên facebook để các nhà hảo tâm biết. Phương chỉ làm một kế toán bình thường tại nhà, nhưng Phương không ngại bỏ tiền túi ra để giúp đỡ người khác dù phải đi có khi cả ngàn cây số mới đến được.
Cũng may, Phương nhận được sự ủng hộ của rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Họ coi Phương như là cầu nối những tấm lòng của họ đến với những mảnh đời bất hạnh. Nên mỗi khi có người cần giúp đỡ mà Phương đưa lên facebook, họ sẵn sàng kết nối ngay. Chỉ trong năm nay, Phương đã đứng ra vận động và trao quà hỗ trợ cho 70 hộ dân nghèo, bệnh tật, 20 trường học trên địa bàn tỉnh ta và một số trường ở Hà Tĩnh. Số quà không nhiều nhưng tấm lòng của Phương và mọi người thì vô hạn. Chính điều đó làm động lực để Phương tiếp tục công việc từ thiện của mình.
Người khổ còn quá nhiều
Trong suốt chặng đường đi làm thiện nguyện, Phương đã bắt gặp quá nhiều cảnh đời khốn khổ. “Cuộc sống của mình cũng khổ rồi, nhưng có đi nhiều mới thấy, nhiều gia đình khổ hơn mình nữa”, Phương bày tỏ. Đầu tháng trước, Phương có tới tìm hiểu thông tin về gia đình chị Hoàng Thị Hà, ở tiểu khu 12 phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới). Từ Ba Đồn vào Đồng Hới mấy chục kilômét nhưng phải đi lui đi tới đến lần thứ tư mới gặp được chị Hà vì chị phải đi bắt ốc để kiếm tiền chữa bệnh cho con và trang trải cuộc sống.
Mới 25 tuổi nhưng chị đã mang trong mình bệnh tim bẩm sinh, rối loạn thần kinh chức năng. Trớ trêu thay cả hai đứa con của chị đều bị căn bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) phải đi bệnh viện truyền máu mới duy trì được sự sống. Sau khi sinh 2 đứa con mang căn bệnh quái ác, chồng và gia đình nhà chồng đã hắt hủi và xua đuổi mẹ con chị. Sau đó chồng đi lấy vợ khác. Một mình ốm đau triền miên lại nuôi hai đứa con bệnh nặng, sự sống của ba mẹ con đều mong manh nhưng chị vẫn luôn nuôi hi họng và không bỏ cuộc. “Nhìn thấy những cảnh đời nghiệt ngã đó, chị càng quyết tâm phải cố gắng hết sức và phải làm được nhiều hơn nữa”, Phương nói.
Thời gian đầu đi làm cầu nối thiện nguyện Phương gặp rất nhiều khó khăn, nhất là lúc mới bắt tay vào làm. Khi đó chưa ai biết Phương nên việc kêu gọi ủng hộ mọi người đóng góp giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh rất vất vả. Phương phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mới xin được nguồn tài trợ. Bên cạnh đó, việc làm tình nguyện mất rất nhiều thời gian, lại đi đây đi đó nhiều làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và đời sống của gia đình Phương. Con gái mới 4 tuổi của Phương phải thường xuyên gửi ông bà vì mẹ bận đi khắp nơi để giúp người bất hạnh. Nhưng Phương luôn cố gắng để làm chu toàn mọi việc, vừa thu xếp được công việc và gia đình, lại vừa làm tốt vai trò là “cầu nối yêu thương”.
Không chỉ đứng ra kết nối những nhà hảo tâm đến người dân nghèo khó mà chị còn bỏ tiền túi của mình ra để làm thiện nguyện. Phương cho biết, cơ duyên đó bắt đầu khi Phương vô tình gặp em Dương Thị Thúy, ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch). Hình ảnh đầu tiên khi gặp Thúy là cánh tay em nổi những khối u vì em bị suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo. Phương biết hoàn cảnh gia đình nhà em rất đáng thương. 25 tuổi nhưng Thúy đã phải đương đầu với bệnh tật hiểm nghèo, một tuần phải vào Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới chạy thận 3 lần. Không chỉ riêng em mà cả 8 người trong gia đình Thúy đều mắc bệnh hiểm nghèo, ba người con đầu đã qua đời. Một người em của Thúy cũng bị bệnh đang học rất giỏi ở Trường Quốc học Huế.
Sau một thời gian kêu gọi hỗ trợ, Phương đã xin được cho gia đình Thúy một số tiền nhưng cũng không đủ. Phương quyết định hàng tháng trích từ đồng lương nhỏ nhoi của mình ra 500 ngàn đồng để hỗ trợ cho Thúy. Đến nay cũng đã được 7 tháng. “Lúc đầu mình dự định sẽ hỗ trợ trong vòng một năm, nhưng mình sẽ cố gắng hỗ trợ cho em ấy đến khi nào có thể”, Phương bày tỏ.
Không chỉ dừng lại ở đó, Phương còn tham gia liên kết với 15 bạn cùng đam mê làm thiện nguyện gây quỹ để hộ trợ các trẻ em vùng cao bằng cách góp tiền hàng tháng, riêng trên địa bàn tỉnh ta, nhóm của chị đã hỗ trợ 20 trường hợp, chủ yếu là học sinh và người dân vùng cao các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa... Để nhiều số phận nghèo khó được giúp đỡ, chị đã kết nối những tấm lòng thiện nguyện ở khắp mọi miền đất nước, tìm kiếm những bạn trẻ cùng khát khao, đam mê tình nguyện, tư vấn và hỗ trợ cho các bạn lập tổ chức tình nguyện tại địa phương như CLB Nét bút xanh, Lòng nhân ái...
Từ đó, giới thiệu, hướng dẫn các bạn cách để tạo các chương trình tình nguyện, và chia sẻ làm thế nào để tình nguyện lâu dài, mang hiệu quả giá trị giúp đỡ những mảnh đời gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Lan Chi